Nếu làm trong lĩnh vực cơ khí chính xác, chắc chắn bạn sẽ được nghe tới cái tên thước panme – một dụng cụ đo được sử dụng cực kỳ phổ biến với bất kỳ người thợ cơ khí nào. Trong bài viết này, hãy cùng HT-CNC tìm hiểu về thước panme là gì, cấu tạo panme và có những loại panme nào.
Panme là gì?
Panme hay thước panme (tên Tiếng Anh là Micrometer) là dụng cụ đo cầm tay được sử dụng để đo kích thước của một vật thể trong một phạm vi nhỏ với các dải đo thường giới hạn trong khoảng 1 inch hoặc 25 mm, chẳng hạn như 0-1 inch, 1-2 inch, 2-3 inch… tương ứng với 0-25mm, 25-50mm, 50-75mm… và có độ chính xác cực cao, có thể lên tới ±0.5µm.
Thước panme hoạt động dựa trên cơ cấu trục xoay để điều chỉnh sự di chuyển của các đầu đo và thước đo nhằm xác định kích thước của vật cần đo. Trong nguyên tắc đo lường, khoảng cách giữa hai điểm có độ chính xác càng cao khi hai điểm đó nằm cùng trên một đường thẳng với thước đo – thước panme đạt được điều kiện này khi hai điểm cần đo khoảng cách nằm cùng trên trục đo của thước. Đó là lý do thước panme đạt được độ chính xác cực cao cho dù nó chỉ là một dụng cụ đo cầm tay.
Thước panme có mấy loại?
Có nhiều loại panme được thiết kế theo những kiểu dáng, kích thước khác nhau để đáp ứng cho những nhu cầu đo lường các vật thể và không gian khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản thước panme được phân loại thành một số loại sau tùy theo mỗi tiêu chí riêng.
Nếu dựa theo công dụng chính của thước panme, chúng ta có ba loại chính:
– Panme đo ngoài (Outside Micrometer)
Loại panme này được thiết kế để đo kích thước hoặc đường kính ngoài của vật thể. Về cấu tạo nó giống như một hàm kẹp với hai đầu đo được thu ngắn và mở rộng bằng cách xoay cơ cấu vít bên trong. Vùng cần đo kích thước trên vật thể sẽ được đặt giữa hai đầu đo, bạn cần xoay núm vặn để di chuyển đầu đo di động áp sát dần vào vị trí cần đo. Kết quả đo được sẽ được đọc qua thước đo dạng kẻ số hoặc bảng hiển thị điện tử.
– Panme đo trong (Inside Micrometer)
Ngược lại với panme đo ngoài thì panme đo trong được thiết kế để đo kích thước phía bên trong của một vật thể, chẳng hạn như đường kính trong của ống. Loại panme này có dạng một thanh tròn dài, ở giữa có một ống lót để xoay giúp cho thước panme có thể kéo dài ra chạm vào hai bề mặt cần đo khoảng cách. Và giống như trên, kích thước sẽ được đọc tại thước đo dạng cơ khí hoặc điện tử.
– Panme đo sâu (Depth Micrometers)
Đúng như tên gọi của nó, loại panme này có công dụng để đo độ sâu của hốc, lỗ, rãnh, khe nằm trên vật thể. Đặt thân thước cùng phương với hốc cần đo, đe của thước được đặt trên miệng hốc, một thanh đo sẽ được đưa dần xuống dưới đáy của hốc bằng cách xoay thân thước. Cho đến khi đầu của thanh đo chạm đáy hốc, kết quả sẽ hiển thị trên thước đo của panme.
Nếu dựa theo kiểu dáng của đầu đo thước panme chúng ta có những loại phổ biến sau:
– Panme có đầu đo phẳng
Đây là loại thước panme phổ thông nhất với các đầu đo dạng mặt phẳng vuông góc với trục đo. Loại này cho phép đo lường trên nhiều dạng vật thể khác nhau, nhưng thường bề mặt cần đo là bề mặt phẳng. Chúng khá đa năng và bạn có thể nhìn thấy trong hầu hết các xưởng gia công cơ khí.
– Panme có đầu đo nhọn
Hai đầu đo của thước panme này có dạng hình nón, với hai đầu nhọn trên hai đầu đo sẽ là điểm tiếp xúc với bề mặt cần đo. Điều này cho phép panme có đầu đo nhọn phù hợp để đo kích thước tại những điểm nằm trên bề mặt cong hoặc những điểm nằm trong lỗ, hốc, rãnh, khe nhỏ hẹp mà kiểu đầu đo phẳng phổ thông không thể tiếp cận được.
– Panme có đầu đo dạng lưỡi dẹt
Thiết kế của panme này có hai đầu đo dạng mỏng dẹt có thể dễ dàng đưa vào những không gian hạn chế, giúp nó lý tưởng để đo kích thước tại những khe rãnh nhỏ hẹp
– Panme có đầu đo hình cầu
Đối với các vật thể tròn và bề mặt có độ cong, panme có đầu đo hình cầu (hay bán cầu) cho phép kết quả đo lường có độ chính xác cao hơn. Với thiết kế này, các điểm tiếp xúc giữa thước panme và bề mặt sẽ có độ chính xác cao hơn tại vị trí cần đo.
– Panme có đầu đo dạng đĩa tròn
Kiểu đầu đo dạng đĩa tròn này của panme cho phép nó đo lường dễ dàng hơn và chính xác hơn trên những chi tiết dạng bánh răng hay trên những vật liệu mềm, dẻo vì nó có khả năng tiếp xúc với điểm đo dễ dàng và chắc chắn hơn.
– Panme có đầu đo ren vít
Được thiết kế với nhiều biến thể của đầu đo nhưng mục đích chính của loại panme này vẫn là để đo các kích thước của ren vít như đường kính ren, bước ren.
– Panme có đầu đo có thể thay đổi
Để tiện lợi hơn cho người sử dụng, loại panme có đầu đo có thể thay đổi được giúp người dùng sử dụng một panme duy nhất cho nhiều mục đích đo lường khác nhau trên các kiểu vật thể khác nhau. Tuy nhiên loại này có hạn chế là làm giảm độ chính xác của thước do có ảnh hưởng bởi người sử dụng khi thay đổi đầu đo của thước.
Nếu dựa theo cơ chế hoạt động của thước đo chúng ta có những loại panme sau:
– Thước panme điện tử (Digimatic Micrometer)
Panme điện tử có cơ cấu thước đo với hệ thống điện tử cho phép kết quả đo hiển thị chính xác và nhanh chóng, đồng thời cũng giúp người sử dụng dễ dàng đọc thông số hơn. Panme điện tử cũng cho phép người dùng dễ dàng kết nối với các thiết bị máy tính, điện thoại để xuất, lưu trữ và báo cáo dữ liệu.
– Thước panme cơ khí (Mechanical Micrometer)
Panme cơ khí đã được phát minh từ rất lâu và cho tới hiện tại, nó vẫn được sử dụng rất phổ biến dù các panme điện tử có phần tiện dụng hơn. Loại panme cơ khí lại có 2 cơ cấu hiển thị kết quả đo, gồm loại thước kẻ vạch và bộ đếm số cơ học.
Cấu tạo thước panme
Về cơ bản, cấu tạo của thước panme đều bao gồm những bộ phận chính là đầu đo/mỏ đo, thân thước (chính/phụ), khung thước, núm vặn (tay xoay) và vít hãm. Đối với loại thước panme điện tử thì trên khung thước sẽ có thêm hệ thống đếm số đo điện tử kèm màn hình hiển thị kỹ thuật số trực quan. Dưới đây là cấu tạo chi tiết của từng loại panme đo ngoài, panme đo trong và panme đo sâu.
Cấu tạo panme đo ngoài
1 – Mỏ đo / Đầu đo cố định (Anvil) | 2 – Đầu đo di động (Spindle) | 3 – Vít hãm / Chốt khóa (Lock) |
4 – Thân thước chính (Sleeve) | 5 – Khung (Frame) | 6 – Đệm cách nhiệt (Heat shield) |
7 – Thân thước phụ (Thimble) | 8 – Núm vặn / Tay xoay (Ratchet knob) |
Cấu tạo panme đo trong
1 – Đầu đo di động (Spindle) | 2 – Khung (Frame) | 3 – Vít hãm / Chốt khóa (Lock) |
4 – Thân thước chính (Sleeve) | 5 – Thân thước phụ (Thimble) | 6 – Tay xoay (Ratchet knob) |
Cấu tạo panme đo sâu
1 – Que đo (Measuring rod) | 2 – Mặt đo / Đe cố định (Measuring face) | 3 – Thân thước chính (Sleeve) |
4 – Thân thước phụ (Thimble) | 5 – Tay xoay (Ratchet knob) |
Khi nào nên sử dụng thước panme?
Giống như các loại thiết bị đo khác, thước panme được sử dụng khi cần đo và kiểm tra kích thước của vật thể xem có đạt được yêu cầu kỹ thuật hay không. Tất nhiên là vậy, nhưng khi nào thì nên lựa chọn panme để sử dụng thay vì dùng thước thẳng, thước dây hay thước kẹp?
Chúng ta sẽ lựa chọn sử dụng thước panme khi cần một phép đo có độ chính xác rất cao. Bởi như đã nói ở phần đầu, panme là một dụng cụ đo cầm tay có độ chính xác cực cao, có thể lên đến ±0.5µm. Đó có thể là kích thước của bất kỳ vật thể nào được đo phía bên ngoài hay bên trong hoặc cần độ sâu của nó. Thước panme sẽ là công cụ đơn giản, dễ sử dụng nhưng đảm bảo được kết quả của phép đo có độ chính xác tin cậy.
Khi độ chính xác là yếu tố quan trọng nhất, chẳng hạn như các bộ phận có chuyển động tương đối với nhau như pittông, vòng bi, trục khuỷu, xi lanh… khi mà chỉ cần một sai lệch nhỏ có thể gây hỏng hóc cho cả một hệ thống thì bạn nên lựa chọn sử dụng thước panme để đo kiểm các kích thước, trừ những trường hợp bạn đã có một thiết bị đo hiện đại hơn, có độ chính xác cao hơn. Nhưng khi cần một dụng cụ đo nhỏ gọn, tiện dụng, dễ mang theo và đảm bảo độ chính xác thì panme chính là lựa chọn lý tưởng hơn cả.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thước đo panme – một loại dụng cụ đo có độ chính xác cao, được sử dụng rất phổ biến trong cơ khí chính xác. Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ lựa chọn được loại thước panme phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của mình. Công ty Tinh Hà chúng tôi cũng là Đại lý ủy quyền của hãng Mitutoyo tại Việt Nam, chúng tôi cung cấp đa dạng các loại thước panme khác nhau, các bạn có thể liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin trên website tinhha.com.vn để được tư vấn nhiều hơn.
Pingback: Thước panme dùng làm gì? Hướng dẫn sử dụng và cách đọc panme chính xác